Tư liệu lịch sử khắc trên bia đá trong đình chùa làng Vân Canh

anh2

Member
Xã Vân Canh thời phong kiến cũng như hiện nay đều gồm ba thôn (làng cũ): Kim Hoàng (làng này vốn gồm hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng nhập thành vào đầu thế kỷ XVIII), Hậu Ái, An Trai. Đầu thế kỷ XIX, xã thuộc tổng Hương Canh, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (từ năm Minh Mạng thứ 12-1831) thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội; năm Thành Thái thứ 14-1902 là tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 là tỉnh Hà Đông). Hiện nay xã thuộc huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Cả ba làng hiện còn đình, chùa, một số nhà thờ họ.Trong các di tích này, hiện còn lưu một số tài liệu Hán Nôm sau (kê theo các loại hình văn bản Hán Nôm kết hợp loại hình di tích):

I. BIA VÀ CÂY HƯƠNG ĐÁ TRONG CHÙA

Trong 3 chùa của 3 làng hiện còn lưu giữ 6 tấm bia, 1 cây hương đá. Cụ thể như sau (kê theo chùa):

1. Bia Hậu Phật bi ký dựng ở gian phải (theo hướng chùa) trong tòa Tiền đường chùa Đại Bi của làng Kim Hoàng, lập ngày 26 tháng Một năm Chính Hòa thứ 25 (Giáp Thân, 1704). Bia có hai mặt chữ, chữ chân phương, rất sắc nét, dễ đọc. Nội dung của bia ghi rõ, ở thời điểm này, bà Lê Thị Thu, hiệu Diệu Trí, vốn là con nhà phú hòa, quý tộc, quê ở huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa; cùng chồng là Huyện thừa huyện Nghi Dương, tước Cơ Thọ nam, họ Nguyễn, tự là Xuân Thung, hiệu là Trung Tín đã hiến cho chùa 18 quan tiền cổ và 1 mẫu 1 sào rưỡi ruộng, được làng tôn làm Hậu Phật. Chùa trở thành “Cổ tích danh lam có tiếng, trên mảnh đất rất thiêng, có nhiều người giỏi”. Giá trị lớn nhất của bia này là cho biết tên những người đại diện các dòng họ thuộc 4 giáp (Trù, Đông, Trung, Đình) của hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng ở thời điểm lập bia(1). Bia này còn lưu trong Tổng tập thác bản văn bia..., tập I, ký hiệu N01612-1613.

2. Bia Hậu Phật đại bi tự điền tỉnh lập bi ký ở bên trái tòa Tiền đường chùa Đại Bi làng Kim Hoàng. Bia có hai mặt chữ, chữ chân phương, còn rõ nét, dễ đọc. Một mặt lập ngày mồng 4 tháng Tư năm Bảo Thái thứ sáu (năm 1725) ghi việc bà Nguyễn Thị Trưng cúng cho làng một mẫu ruộng để phục vụ việc thờ cúng trong chùa và tu bổ giếng trước cửa chùa. Mặt sau do Tiến sĩ Trần Hiền - người làng soạn, lập ngày Tốt, tháng Chín năm đầu niên hiệu Vĩnh Hựu (năm Ất Mão, 1735), ghi việc làng nhớ công ơn của ông Nguyễn Xuân Thung, bà Lê Thị Thu, bà Nguyễn Thị Trưng đã góp công tu bổ chùa. Bia này không có trong Tổng tập thác bản văn bia Hán Nôm.

3. Bia Hậu Phật bi ký lưu trong chùa Đại Ý của làng Hậu Ái. Đây là tấm bia nhỏ, mỗi mặt có 7 hàng chữ, mỗi hàng chỉ có 20 chữ. Bia được lập ngày 12 tháng Ba năm Long Đức thứ hai (năm 1733) song được lập lại ngày mồng 7 tháng Ba năm Minh Mạng thứ sáu (năm 1825). Nội dung ghi về việc vào niên hiệu Long Đức (173201734), bà Lê Thị, hiệu Từ Trí, vợ một viên Cẩn sự Tá long đã cúng cho làng 1 mẫu 9 sào ruộng, nên được dân làng tôn làm Hậu Phật. Bia này không có trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm.

4. Bia Hậu Phật bi ký: vốn là bia của Tường Quang (chùa Khái)(2) làng An Trai, hiện dựng ở đầu hồi chùa Ngọc Quang. Bia có hai mặt chữ, chữ chân phương, còn rõ nét, dễ đọc, lập ngày Tốt, tháng Hai (Trọng Xuân), năm Tân Tỵ, Chính Hòa thứ 22 (1701). Bài văn bia cho biết, vào thời điểm này, làng đã hoàn thành việc tu tạo cả Thượng điện, Thiêu hương và Tiền đường, làm mới các bức tượng Phật của chùa, chứng tỏ chùa đã được xây dựng trước đó khá lâu. Việc đại tu này gắn với vai trò hưng công (không cho biết rõ số tiền, của cụ thể) của bà Lê Thị Hy, hiệu Diệu Tịnh, người làng Nhân Ái (tức Hậu Ái), được dân làng tôn làm Hậu phật, tạc tượng thờ ở chùa. Bia này còn lưu trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm..., tập 2, ký hiệu N01619-1620.

5. Bia Di bi vạn đại vốn là bia của chùa Hạ Ngọc (chùa Trên) của làng An Trai, hiện dựng ở đầu hồi chùa Ngọc Quang. Bia được lập ngày Tốt, tháng Năm (trọng Hạ) năm Quý Mùi, Chính Hòa thứ 24 (1703) thì thời điểm này, đã hoàn thành việc tu tạo tòa Tiền đường. Bia còn lưu trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm, ký hiệu N01610-1611.

6. Cây hương đá (không có tiêu đề), vốn của chùa Tường Quang; lập ngày 12 tháng Hai năm Canh Tý, Vĩnh Thịnh thứ 16 (1720) thì đến đầu năm này, chùa đã qua một đợt tu tạo lớn, với cả Thượng điện, Thiêu hương, Tiền đường và các tượng Phật, với sự hưng công của nhiều người và công đức của khách thập phương. Số tiền công đức lên đến 100 quan, và số ruộng là 1 mẫu 7 sào. Số ruộng này giao cho hai giáp Đông, Tây mỗi giáp 7 sào, quan viên văn thuộc của mỗi giáp một sào, còn một sào giao cho người giữ chùa cày cấy. Người được bầu làm Hậu phật là bà Nguyễn Thị Tường, hiệu Diệu Hương. Cây hương này còn lưu trong Tổng tập thác bản văn bia Hán Nôm..., tập 2, ký hiệu N01621.

Ngoài ra, ở đầu hồi chùa Ngọc Quang hiện còn tấm bia khổ nhỏ, không rõ của chùa nào, được lập ngày 22 tháng Năm, năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745), ghi danh sách các hội chủ đóng góp tu bổ chùa. Bia này không có trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm.

II. CÁC TẤM BIA KHÁC

1. Bia Đồng Khấu thạch kiều bi ký: là tấm bia trụ, trước đây dựng ở ngoài đồng, hiện dựng ven đường liên xã (đường cổ) đi Sơn Đồng, trước cửa đình làng Hậu Ái. Bia có hai mặt chữ, chân phương, rõ nét, dễ đọc. Bia được lập ngày Tốt tháng Tám năm đầu niên hiệu Vĩnh Hựu (Ất Mão, 1735). Người soạn bia là Tiến sĩ Trần Hiền - người làng Kim Hoàng. Bài văn bia ghi rõ, sau khi đỗ đạt, Trần Hiền cùng mẹ là Nguyễn Thị Giá cùng hai người vợ là Hà Thị Đại và Hà Thị Hựu đã cung tiến nhiều tiền của, đồng thời vận động nhiều quan lại cao cấp thân quen góp tiền của để dựng ba chiếc cầu đá là cầu Đá Năng (cầu Đồng Trầm), cầu Đọ (hay cầu Độ, trên đường sang làng Lại Yên) và cầu Ván (ở giữa đồng làng Kim Hoàng) để dân đi lại được thuận tiện. Trong số các vị quan trên có cả Phạm Gia Ninh - Tiến sĩ khoa Tân Hợi niên hiệu Vĩnh Khánh (năm 1731), chức quan là Chiêu văn quán, Tư huấn, Giám sát Ngự sử đạo Hải Dương, người làng Đông Ngạc và Nguyễn Trung Kinh - Tri Thị nội thư, Tả Hộ phiên, Thái thường tự khanh cùng nhiều quan lại cao cấp khác. Bia không có tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

2. Trong các nhà thờ họ Trần, Đàm hiện còn một số tấm bia họ... Trong đình làng Hậu Ái còn 2 tấm bia vốn của Văn chỉ chuyển về, ghi tên những người làng đỗ đạt qua các kỳ thi. Tại lăng mộ Tiến sĩ Lê Đức Vọng có bia lập vào thời điểm “Hoàng Nhâm Ngọ Bảo Đại 1942), ghi tên (tự, hiệu), mức đỗ, năm đỗ chức quan của ông(3).

3. Theo Tổng tập thác bản văn bia thì xã Vân Canh trước đây có tấm bia Tam bảo thị - Vân Canh thị công đức bi ký. Bia được lập ngày Lành tháng Trọng Xuân (tháng Hai) năm Chính Hòa thứ tám (năm 1687), nội dung ghi rõ các ông Lê Đức Mộ, Trịnh Văn (...) đứng ra hưng công cùng các quan viên Lê Đôn Nghiệp, Xã trưởng Nguyễn Kim Trình v.v. góp tiền của vào việc xây chợ. Qua khảo sát thực địa cho thấy, đây là chợ của xã Vân Canh, tọa lạc trên một con đìa ven đồng Trầm thuộc địa phận làng Hậu Ái, trên đường đi lên Nhổn, nên gọi là chợ Đìa, họp vào các ngày 2 và 7 của các tuần trong tháng(4). Bia này hiện bia không còn trong làng, nhưng còn thác bản được lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu N0 1617-1618).

III. CHUÔNG

Hiện trong các đình chùa của ba làng còn 3 quả chuông:

1. Đại Ý tự chung (chuông chùa Đại Ý): khắc ngày 17 tháng Một năm Bính Thân đời vua Minh Mạng (năm 1836) ghi việc đúc lại chuông, ghi tên những người góp tiền của, trong đó có cả Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa và rất nhiều người ở các phường thuộc tỉnh thành Hà Nội (phường Diên Hưng, phường Hà Khẩu...). Chuông cũng cho biết, ở thời điểm này, làng Hậu Ái có 4 giáp (không cho biết tên cụ thể từng giáp)(5).

2. Hạ Ngọc tự chung (chuông chùa Hạ Ngọc): khắc ngày 10 tháng Chạp năm Thiệu Trị thứ năm (Ất Tỵ, 1845) ghi việc đúc lại chuông, ghi tên những người góp tiền của vào việc này.

Đại Bi tự chung (chuông chùa Đại Bi) treo trên gác tam quan chùa Đại Bi làng Kim Hoàng. Chuông được đúc vào ngày 13 tháng Năm (trọng Hạ), năm Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh Thịnh thứ bảy (năm 1799). Bài văn bia do Tri huyện Mỹ Lương là Nguyễn Thông Tế soạn, có bài minh 28 câu ca ngợi cảnh đẹp của chùa. Điều đáng lưu ý là chữ “Thịnh” trên dòng lạc khoản của chuông còn nguyên vẹn, chứng tỏ, dân làng Kim Hoàng rất trân trọng, bảo vệ di sản văn hóa của vương triều Tây Sơn.
 

anh2

Member
IV. THẦN PHẢ, SẮC PHONG

Trong 3 ngôi đình chỉ còn đình làng An Trai còn lưu được bản thần phả viết trên giấy dó cứng, màu vàng, gồm 12 tờ, khổ 15 x 25cm, mỗi trang có 6 hàng chữ, mỗi hàng có 20 chữ. Thần phả được sao lại vào ngày Lành, tháng Quý Xuân (tháng Ba) năm Cảnh Hưng thứ 30 (năm 1779), chép lai lịch của Phan Tây Nhạc - vị thần đời Hùng Duệ Vương được thờ trong đình.

Về sắc phong: 3 đình còn lưu được 14 đạo sắc. Cụ thể:

- Đình làng Kim Hoàng có 6 đạo sắc, phong cho hai vị thần (thần Đất và thần Sông), cùng được phong vào các thời điểm sau: ngày mồng 3 tháng Mười năm Tự Đức thứ mười (năm 1857), ngày mồng một tháng Bảy năm Đồng Khánh thứ hai (năm 1887); ngày 25 tháng Bảy năm Khải Định thứ chín (năm 1924).

- Đình Hậu Ái còn 5 đạo sắc gồm: 3 đạo phong chung cho Thủy thần và Thái úy Đỗ Kinh Tu - nhân vật lịch sử thời Lý Cao Tông (đầu thế kỷ XIII) vào ngày: 24 tháng Một năm Tự Đức thứ 33 (năm 1880), mồng một tháng Bảy năm Đồng Khánh thứ hai (năm 1887), 11 tháng Tám năm Duy Tân thứ ba (năm 1909), 2 đạo phong riêng cho các vị thần, cùng vào ngày 25 tháng Bảy năm Khải Định thứ chín (năm 1924).

- Đình An Trai còn 3 đạo phong cho Phan Tây Nhạc, vào các ngày 18 tháng Một năm đầu niên hiệu Thành Thái (1889), ngày 11 tháng Tám năm Duy Tân thứ ba (năm 1909) và 25 tháng Bảy năm Khải Định thứ chín (năm 1924).

IV. HOÀNH PHI, CÂU ĐỐI, BẢNG KHẮC GỖ

Các đình chùa còn lưu hàng trăm bức hoành phi câu đối, phản ánh truyền thống lịch sử văn hóa của các làng, lịch sử hình thành, phát triển của các di tích này. Xin điểm một số văn bản có giá trị:

Đình Kim Hoàng có đôi câu đối “Tục truyền, Hoàng Bảng, Kim Bảng lưỡng thôn bất tường quyết hậu hà niên hợp nhất vi xã trung cự ấp” (Tục truyền hai làng Hoàng Bảng, Kim Bảng hợp nhất thành ấp lớn nhưng không rõ vào năm nào).

Đình làng Kim Hoàng:

Trên cột cái đình có hàng chữ cho biết, đình được cất nóc vào ngày mồng 3 tháng Hai năm Chính Hòa thứ 22 (Tân Tỵ, 1701).

Trên hai câu đầu của đình có ghi tên của những người đóng góp vào việc dựng đình: câu đầu bên phải là một quan viên người họ Trần ở làng Hoàng Bảng; câu đầu trái là của ông Nguyễn Đình Ký, người giáp Đông cùng vợ là người họ Đặng của làng Kim Bảng.

Trong hậu cung đình còn đôi câu đối về sự hợp nhất của hai làng Kim Bảng, Hoàng Bảng thành làng Kim Hoàng và vị phủ sinh hiến đất cho làng dựng đình nên được làng ghi ơn:

Tục truyền Hoàng Bảng, Kim Bảng lưỡng thôn, bất tường quyết hậu hà niên hợp nhất vi xã trung cự ấp,

Đình phụng giang thần, địa thần nhị vị, truy cảm sở dĩ cố chỉ tái phụ dĩ hương nhân Phủ sinh.


(Truyện rằng Hoàng Bảng, Kim Bảng hai thôn không rõ năm nào nhập xã thành làng lớn.

Đình thờ thần đất, thần sông, nhưng vẫn nhớ tới công ơn của người làng là vị Phủ sinh.

Đình làng An Trai: còn hai bản khắc gỗ. Một bản khắc ngày 19 tháng Ba năm Vĩnh Trị thứ hai (năm 1677) ghi rõ một người ở giáp Đông là Đàm Văn Lai, tước Thịnh Tài bá cùng vợ là Nguyễn Thị Trình hưng công vào việc tạo ngôi đình mới này một cây cột lớn cùng một khối đá (kê chân cột). Bản thứ hai (không khắc ngày tháng, song có nét chữ giống như bản trên) có nội dung nguyên văn chữ Hán như sau:

"Hoàng vương thọ khảo.

Tam vị hữu đại trụ, bát thập nhị Phạm lão thần thượng, cúng thượng lương, tràng kỷ tiểu, trụ đại, nhất giáp phân thụ.

Tam lương tịnh đăng kỷ, vị cư kỳ thủ, hự công đăng ngũ mộc thượng, thứ diệc các hữu thị mại chi tiên dã.

Đại đại vĩnh diên,

Thế thế bất dịch.

Tạm dịch:

Đức vua muôn năm,

Ba vị cúng cột trụ lớn bên phải; Phạm lão thần tuổi trên 82 cúng thượng lương, ghế tràng kỷ nhỏ, một cột trụ lớn, giáp Nhất cùng phân chịu.

Tam lương(6) và bàn đèn để trên đầu, thứ đến 5 cây đèn để lên trên, tất cả đồ thờ đó đều mua ở chợ từ trước.

Đời đời bền vững,

Muôn đời không dịch chuyển"(7).

Hàng chữ Hán trên hai câu đầu của đình ghi việc chuyển đình này được hoàn thành vào tháng Tư năm Nhâm Tý (năm 1732) [Lê triều Vĩnh Khánh tứ niêntuế tại Nhâm Tý tứ nguyệt].

MỘT VÀI NHẬN XÉT

Mặc dù không còn nhiều về số lượng, nhưng tài liệu Hán Nôm còn lại trong các đình chùa của làng trong xã Vân Canh là nguồn tài liệu quý để nghiên cứu các vấn đề về lịch sử văn hóa của vùng đất này, trên các mặt:

- Sự hình thành sớm của các làng vùng Canh, gắn với sự nghiệp dựng nước của các Vua Hùng (thần tích, sắc phong, câu đối đều chép về các vị thần của thời kỳ dựng nước).

- Sự ổn định và phát triển của các làng vùng Canh vào từ cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII trở đi (hầu hết bia, bảng khắc gỗ ghi việc hợp nhất làng, dựng đình, tu bổ chùa đều được lập vào giai đoạn này).

- Quan trọng nhất, các tài liệu Hán Nôm cho nhiều thông tin tư liệu quý giá về cơ cấu tổ chức làng xã, nhất là thiết chế giáp gắn với các dòng họ vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, như các bia hậu ở chùa Đại Bi làng Kim Hoàng, cây hương đá ở chùa Tường Quang làng An Trai...

- Sự phân tầng xã hội, thể hiện ở đóng góp của các cá nhân thuộc các giai tầng xã hội trong việc xây dựng, tu bổ các công trình thờ cúng ở các làng.

- Việc thờ phụng thành hoàng và sự liên kết thờ phụng của các làng xã thời phong kiến.

Truyền thống trọng học và khoa bảng của ba làng Canh.

Nguồn tài liệu:

BÙI XUÂN ĐÍNH

Viện Dân tộc học ( http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1496&Catid=597 )
 
Top