Đình làng Hậu Ái

anh2

Member
Đình Hậu Ái được xây năm 1914, vốn là một ngôi đền thờ Thuỷ thần và Thái uý Đỗ Kính Tu, xếp hạng di tích quốc gia năm 1989.
115fvLJ.jpg
Lược sử
Xã Vân Canh gồm có ba thôn: Kim Hoàng, An Trai và Hậu Ái. Đầu thế kỷ XIX, xã thuộc tổng Hương Canh, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) xã thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội; năm Thành Thái thứ 14 (1902) thuộc tỉnh Cầu Đơ (năm 1904 đổi là tỉnh Hà Đông). Hiện nay xã thuộc huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Đình Hậu Ái thờ Thủy thần và người làng là Thái úy Đỗ Kính Tu. Ngài đỗ đầu khoa thi Tam giáo đời Lý Anh Tông (1138 - 1175), sau cùng Tô Hiến Thành phụ chính cho vua, được ban quốc tính. Năm 1182, Ngài được cử làm "Đế Sư" của Lý Cao Tông. Năm 1210, vua ốm nặng, ký thác cho Ngài lập hoàng tử Sảm lên ngôi tức Lý Huệ Tông. Sau bị vu cáo mưu loạn, Ngài đã ra sông Hồng tự vẫn ngày 21 tháng 5 âm lịch năm Bính Tý (1216).

Ngoài cánh đồng Hậu Ái còn lăng mộ của Đỗ Kính Tu với gò Mả Am là phần mộ tổ của Ngài và Mả Nàng là mộ các tỳ thiếp chết theo. Ðình vốn là một ngôi đền cổ được dựng trên đất nhà Ngài để làm nơi thờ tự. Đến năm 1914, nhân dân tu sửa đền thành đình. Năm 1989, đình Hậu Ái và khu lăng mộ Đỗ Kính Tu đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích văn hóa lịch sử quốc gia.
Kiến Trúc
tfRQW0b.jpg
Ngôi đình được xây ngay giữa làng, phía trước có hồ rộng, xung quanh có nhiều cổ thụ. Cổng đình kiểu nghi môn với hai trụ biểu, hai tường bên trổ cửa phụ vòm cuốn, mái chồng diêm. Qua cổng vào sân thấy hai dãy tả hữu vu 6 gian, tường hồi bít đốc, cột gạch. Đại đình rộng 5 gian, hai mái. Trên bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt trời. Bộ vì kèo kiểu năm hàng cột để mái trước đình mở rộng, các cột gắn bó với nhau theo kết cấu “thượng giường hạ kẻ”.

Các thành phần kiến trúc được chạm tứ linh (long, ly, quy, phượng), hổ phù, hoa lá với đường nét mềm mại theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Từ gian giữa đại đình chạy học về phía sau là tòa hậu cung tạo thành hình chữ “đinh”. Bộ khung hậu cung chắc chắn, các vì kèo theo kiểu ‘thượng giường hạ bẩy”, nhiều chỗ được chạm rồng, mây, hoa lá như ở đại đình. Hậu cung được ngăn đôi bằng hệ thống cửa bức bàn sơn son, vẽ hình rồng, phượng, rùa, lân.

Phía trong cung cấm có khám thờ với tượng thành hoàng và 5 sắc phong. Nhang án trên có long ngai, bài vị. Phía ngoài bầy bộ kiệu giá ngự, các đồ tự khí như bát bửu, cờ năm màu… Trên thượng lương ghi rõ đình làm lại năm Giáp Dần, niên hiệu Duy Tân thứ 8. Kiến trúc đình Hậu Ái thuộc đầu thế kỷ XX và được bổ sung một số hiện vật như cuốn thần phả do tiến sỹ Nguyến Bá Đôn, người cùng xã Vân Canh, soạn năm Tự Đức thứ 12 (1859) cùng với 6 bức hoành phi và 8 câu đối.
Di sản
hznc9Gg.jpg
Trước cửa đình Hậu Ái có bia "Đồng Khấu thạch kiều bi ký" hình trụ với hai mặt chữ chân phương, xưa dựng ở ngoài đồng. Bia được lập vào ngày lành tháng Tám năm Vĩnh Hựu nguyên niên (1735), do người làng Kim Hoàng là tiến sĩ Trần Hiền soạn, ghi việc Trần Hiền cùng mẹ với hai bà vợ và nhiều quan chức góp tiền của xây dựng cầu Đá Năng (Đồng Trầm), cầu Đọ (trên đường sang Lại Yên) và cầu Ván (ở giữa đồng làng Kim Hoàng). Trong đình lại có 2 tấm bia từ Văn chỉ chuyển về, ghi danh những người Hậu Ái từng đỗ đạt [1].

Hậu cung đình Hậu Ái còn lưu giữ được 5 đạo sắc gồm: 3 đạo phong chung cho Thủy thần và Thái úy Đỗ Kinh Tu vào các ngày 24 tháng Một năm Tự Đức thứ 33 (1880), mồng một tháng Bảy năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), 11 tháng Tám năm Duy Tân thứ 3 (1909), 2 đạo phong riêng cho các vị thần, cùng vào ngày 25 tháng Bảy năm Khải Định thứ 9 (1924).

Lễ hội làng Hậu Ái được dân sở tại tổ chức hàng năm vào ngày 21 tháng 5 âm lịch. Sau đám rước kiệu truyền thống và nghi lễ tưởng nhớ công đức của thành hoàng sẽ diễn ra các trò vui dân gian. Các gia tộc mang bánh tro, bánh dày, bánh chay... đến đình để mời những người tham dự.

Nguồn tư liệu: hình ảnh và tài liệu trích dẫn từ nghiên cứu của Nguyễn Chí Công (360.hncity.org)​
 
Top